Công Ty TNHH Một Thành Viên Thương Mại Dịch Vụ BCT - Camera Quan Sát -Truyền Hình số Vệ Tinh TRẦN XUYÊN - Hotline: 0939.164 968 CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI TỪ 21/12/2012 ĐẾN 09/02/2013 - GIẢM THÊM 150.000đ/BỘ ĐẦU THU CÁC LOẠI
Được tạo bởi Blogger.
SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
SẢN PHẨM MỚI
SẢN PHẨM KhÁC

Làm gì để 10 triệu gia đình được dùng truyền hình trả tiền?
ICTnews - Việt Nam có khoảng 21 triệu hộ gia đình, nhưng có khoảng 2,8 triệu hộ đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền. Tuy nhiên, có thể học bài học từ viễn thông để làm bùng nổ dịch vụ này.

Thị trường truyền hình trả tiền có quy mô 10 triệu hộ
Theo thống kê trung bình trên thế giới, dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm đến hơn 50% số hộ gia đình, trong đó 75% là truyền hình cáp. Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, truyền hình cáp chiếm đến 90% trong tổng số các loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền.
Theo phân tích của Kantar Media, Việt Nam với dân số trên 85 triệu dân, tương đương 21 triệu hộ gia đình là thị trường tiềm năng rất lớn cho truyền hình trả tiền. Đặc biệt là đến năm 2020, khi truyền hình analog chấm dứt phát sóng, các gia đình phải trả tiền mới xem được TV thì dịch vụ này sẽ càng phát triển mạnh.
Tại Việt Nam, mới có khoảng 16% số hộ gia đình dùng truyền hình trả tiền, chỉ bằng 1/3 mức trung bình trên thế giới và khu vực, tương đương với 3 triệu thuê bao. Hiện nay, với mức cước phí mỗi tháng là gần 5 USD thì doanh thu từ thị trường này khoảng 180 triệu USD mỗi năm. Trong tương lai, với hơn 21 triệu hộ thì doanh thu có thể lên tới hơn 1 tỉ USD/năm.
Trên thực tế, người dân tại các thành phố lớn đang được xem truyền hình cáp với số kênh nội dung tương đối phong phú. Tuy nhiên, tại các thị trường nông thôn, những người có điều kiện kinh tế thường mua đầu kỹ thuật số chủ yếu là của VTC (xem được khoảng 20 kênh) và đầu thu của Trung Quốc (chỉ xem được số kênh rất ít, khoảng 6 - 10 kênh quảng bá). Thế nhưng, những đầu thu này lại không có kênh quảng bá trên địa bàn tỉnh và mỗi khi muốn xem kênh của đài tỉnh, họ phải chuyển sang anten dàn.
Trong số gần 3 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, có gần 2 triệu hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình cáp, còn lại là truyền hình vệ tinh và truyền hình số mặt đất. Theo tính toán của một số doanh nghiệp truyền hình trả tiền, trước mắt ở Việt Nam có khoảng 10 triệu hộ sẽ sử dụng truyền hình trả tiền. Như vậy, thị trường còn khoảng 7 triệu khách hàng mới, trong đó ước tính có 5 - 6 triệu thuê bao truyền hình cáp. 
Trở ngại không ít
Cho dù thị trường truyền hình trả tiền được cho là còn nhiều tiềm năng, thế nhưng những năm qua dịch vụ này phát triển khá chậm chạp. Nhiều ý kiến cho rằng, sau gần 10 năm đưa dịch vụ truyền hình trả tiền vào thị trường Việt Nam mà mới có khoảng 3 triệu thuê bao là con số khiêm tốn. Sở dĩ dịch vụ phát triển "ì ạch" như vậy liên quan đến nhiều yếu tố. Thứ nhất, mức phí phải trả cho truyền hình trả tiền vẫn còn là trở ngại lớn khi giá dịch vụ truyền hình cáp lên đến 110.000 đồng/tháng và giá dịch vụ truyền hình vệ tinh thậm chí còn cao gấp 2- 3 lần.
Gần đây, khi xuất hiện các doanh nghiệp mới thì mức giá dịch vụ cũng giảm xuống, đặc biệt là truyền hình vệ tinh. Tuy nhiên, dịch vụ truyền hình vệ tinh lại có đặc điểm là thiết bị đầu thu vẫn cao (khoảng 150 USD - 200 USD) nên nhiều gia đình không có điều kiện để tiếp cận với dịch vụ này.
Trả lời báo BĐVN trước đây, ông Đào Duy Kiểm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CEC (thành viên của VTC) cho biết, chi phí đầu tư cao chính là lý do khiến các nhà cung cấp truyền hình cáp chỉ có thể phát triển ở đô thị và những nơi có mật độ dân cư cao. Bình quân chi phí cho một suất đầu tư đến 1 hộ gia đình ở đô thị khoảng 5 triệu đồng (chưa kể bộ giải mã tín hiệu) và như vậy phải đưa vào khai thác ít nhất là 5 năm mới hòa được vốn. Còn nếu đầu tư tới các trung tâm huyện thị hoặc vùng phụ cận thì chi phí còn cao hơn, dẫn đến khả năng thu hồi vốn rất khó.
Một trong những nguyên nhân chính khiến việc "bùng nổ" dịch vụ truyền hình trả tiền chưa thể xảy ra là khả năng phủ dịch vụ của các doanh nghiệp truyền hình cáp quá hạn chế. Cho dù hiện có tới gần 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp nhưng thực trạng hoạt động lại rất manh mún vì quy mô quá nhỏ. Chỉ VTV là  có quy mô phủ rộng nhất nhưng chủ yếu đến các trung tâm tỉnh và một số huyện. Chi phí cho việc phủ mạng cáp rộng trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền vẫn là vấn đề nan giải. Như vậy, tham vọng đưa dịch vụ này đến với 21 triệu hộ dân Việt Nam xem ra vẫn là bài toán khó.
Giải bằng cách nào?
Một câu hỏi được đặt ra đến thời điểm này là làm sao có thể thúc đẩy thị trường truyền hình phát triển mạnh mẽ?
Các chuyên gia nhận định, trong những năm qua viễn thông đã làm được chuyện đưa dịch vụ đến với hầu hết người dân Việt Nam và đưa dịch vụ di động "từ xa xỉ trở thành bình dân”. Sở dĩ dịch vụ viễn thông bùng nổ được xuất phát từ yếu tố đầu tiên là tạo lập được thị trường cạnh tranh mạnh. Hai yếu tố hệ quả của việc thúc đẩy thị trường cạnh tranh là các doanh nghiệp đua nhau để có mạng lưới rộng khắp, giá cước liên tục giảm. Một yếu tố được xem là gián tiếp tác động, nhưng lại đóng vai trò quan trọng là thiết bị viễn thông liên tục giảm. Chỉ cần tối thiểu 9 USD đã có thể sở hữu chiếc điện thoại di động có kèm dịch vụ của nhà mạng.
Về cơ bản truyền hình trả tiền cũng có thể học những kinh nghiệm này từ thị trường viễn thông. Nếu để các doanh nghiệp đang cung cấp truyền hình cáp hiện nay đầu tư mạng lưới đến xã là câu chuyện “bất khả thi” bởi chi phí đầu tư quá lớn. Thế nhưng, đây lại là lợi thế của các doanh nghiệp viễn thông khi mà hạ tầng của họ đã sẵn sàng. Hiện VNPT và Viettel đều tuyên bố đã cáp quang hóa đến tận tuyến xã. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để cho các doanh nghiệp này đem dịch vụ truyền hình cáp đến với hàng chục triệu khách hàng.
Phía Viettel cho biết, đến thời điểm này, Viettel đã có 200.000 km cáp quang trên toàn quốc. Hiện độ phủ của cáp quang đến hộ gia đình trung bình trên toàn quốc là cách 350m nhưng sắp tới Viettel sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn 200m, thậm chí chỉ còn 100m vào năm 2015. Điều này có nghĩa là cáp quang đã đến sát hộ gia đình và chỉ còn chờ cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Và các doanh nghiệp như Viettel, VNPT đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp chất lượng cao đến tận những địa phương vùng sâu, vùng xa.
Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu đầu tư mạng cáp quang đến xã mà chỉ để cung cấp đơn lẻ dịch vụ truyền hình trả tiền thì khả năng thu hồi vốn là chuyện viễn tưởng. Vì vậy, trên tuyến truyền dẫn này phải có đa dịch vụ - đây là điểm mạnh của các doanh nghiệp viễn thông khi nhảy vào thị trường này bởi họ có dịch vụ viễn thông cùng tồn tại trên một hạ tầng.
Tóm lại, trong quy hoạch về truyền hình cần phải tạo điều kiện cho các công ty viễn thông tham gia thị trường truyền hình trả tiền vì những doanh nghiệp này sẽ giúp giải được bài toán phổ cập dịch vụ truyền hình và Internet băng rộng với giá thành tốt nhất.
Theo ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ TT&TT), mục tiêu phủ sóng cung cấp dịch vụ PT-TH đến năm 2015 là hầu hết các tỉnh, TP thuộc vùng đồng bằng, trung du có khả năng tiếp cận dịch vụ truyền hình số mặt đất; đến năm 2020, dịch vụ truyền hình số mặt đất có mặt tại cả 63 tỉnh, TP. Đến năm 2015, đảm bảo 100% số gia đình trên cả nước có khả năng tiếp cận dịch vụ truyền hình DTH của tối thiểu 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và đảm bảo 100% các TP, thị xã, thị trấn, điểm sinh hoạt cộng đồng tại trung tâm xã có khả năng tiếp cận truyền hình cáp bằng các công nghệ khác nhau. Đến 2015, tại 5 TP trực thuộc TW và dọc tuyến Quốc lộ Bắc - Nam, người dân có thể tiếp cận dịch vụ truyền hình di động để đến năm 2020, dịch vụ truyền hình di động có mặt tại hầu hết các trung tâm tỉnh, TP trên cả nước.
Mục tiêu doanh thu dịch vụ PT-TH đến năm 2015 là khoảng 30-40% số hộ gia đình có thể xem dịch vụ truyền hình trả tiền; đến năm 2020, phát triển khoảng 60-70% số gia đình có thể xem dịch vụ truyền hình trả tiền. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ trả tiền đạt khoảng 25-30% giai đoạn 2012-2015 và 10-15% giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, doanh thu truyền hình trả tiền đạt khoảng 800-1.000 triệu USD.